Trịnh Công Sơn và hạt cát Quy Nhơn

324969
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thời trẻ – Ảnh: Tư liệu
Trong tôi Quy Nhơn vẫn còn rõ như một tấm gương. Một tấm gương mà tôi có thể nhìn thấy tôi trong ấy. Tôi soi vào quá khứ và tôi nhìn thấy tôi ở biển trong những ngày biển động và biển lặng. Một hạt cát cũng đủ làm tôi cảm động…

Năm 1988, các anh trong Hội Văn nghệ Nghĩa Bình (Bình Định và Quảng Ngãi cũ) có nhờ tôi tổ chức bài vở cho số báo chuyên đề Phụ nữ và thời đại. Một trong những người tôi nghĩ đến đầu tiên là anh Trịnh Công Sơn.

Anh vốn có nhiều kỷ niệm về Quy Nhơn, lại từng học hai năm ở trường Sư phạm Quy Nhơn khóa đầu tiên. Nhưng nhiều người quen của tôi lại bảo rằng anh Sơn rất ít khi chịu viết những hồi ký của mình cho mọi người cùng đọc. Ngại ngần nhưng tôi cũng đến. Trái với suy nghĩ của tôi anh Sơn tiếp tôi như tiếp một người bạn rất thân. Có lẽ hiếu khách vốn dĩ là cá tính của anh.

Anh trịnh trọng rót một ly Wishky thuôc loại hiếm thời ấy mời tôi và bảo “Quy Nhơn đối với mình có quá nhiều kỷ niệm. Hai năm ở Quy Nhơn mình làm biết bao nhiêu là việc…”. Rồi anh kể với tôi những kỷ niệm miên man về biển Quy Nhơn, Gành Ráng và những tháp Chàm cổ kính rêu phong…

Tôi còn nhớ anh nói một câu đại ý rằng nắng Quy Nhơn lạ lắm, nhất là những thời khắc sau tết âm lịch, nắng vàng, rất vàng. Từ ngôi trường sư phạm Quy Nhơn nhìn xuống mặt biển lúc ban trưa, nắng vỡ vụn như hàng triệu triệu mảnh thủy tinh lấp lánh. Phải chăng nắng Quy Nhơn là màu nắng trong bài hát Nắng thủy tinh mà anh Sơn đã nhắc đến.

Tuần sau y hẹn tôi trở lại lấy bài viết (được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chạy tít là: Về một thành phố tôi đã xa) và lại được anh ưu ái mời một ly rượu tây.

Chỉ có điều do những lý do khách quan nào đó, tờ báo không phát hành được hoặc phát hành rất hạn chế. Tôi không có tiền trả nhuận bút cho anh và các nhà văn nổi tiếng khác cộng tác cho báo. Tôi đến tận nhà anh nói rõ lý do và cáo lỗi cùng anh. Anh cười nhẹ nhàng “không hề chi đâu Hiển ạ” và lại mời tôi một ly an ủi.

Hình như cả năm sau đó, Hội Văn nghệ Nghĩa Bình mới thanh toán nhuận bút. Anh lại lấy số tiền còm ấy cùng tôi đi nhậu một chầu sương sương. Cả hai chúng tôi trầm ngâm nhớ về Quy Nhơn. Nỗi nhớ cháy lòng của một kẻ xa quê và một nhạc sĩ tài hoa đã có nhiều bài hát và kỷ niệm về Quy Nhơn.

Bài viết Về một thành phố tôi đã xa là bài viết duy nhất về Quy Nhơn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bài viết không dài, nhưng may mắn thay đã góp phần lý giải sự ra đời của những bài hát nổi tiếng nhất của anh Sơn như: Biển nhớ, Diễm xưa, Nhìn những mùa thu đi… Những bài hát mà hiện nay vẫn có nhiều người hiểu sai về nguồn gốc ra đời của nó. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết về Quy Nhơn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

NGÔ QUANG HIỂN (Báo Tuổi Trẻ Online)

Về một thành phố tôi đã xa

Gần ba mươi năm tôi chưa trở lại với Quy Nhơn. Cái ý niệm về thời gian bao giờ cũng gây cho tôi một nỗi buồn. Dạo ở đó tôi còn trẻ và tôi yêu biển vô cùng. Biển nhớ là bài hát tôi viết cho những đường phố Quy Nhơn. Những đường phố và biển và một người bạn gái hằng đêm cùng tôi ngồi nhìn biển. Điều ấy bây giờ đã trở thành quá khứ nhưng trong tôi Quy Nhơn vẫn còn rõ như một tấm gương. Một tấm gương mà tôi có thể nhìn thấy tôi trong ấy.

Tôi soi vào quá khứ và tôi nhìn thấy tôi ở biển trong những ngày biển động và biển lặng. Tôi nhìn thấy tôi lang thang trên đường phố Quy Nhơn một mình. Một mình đánh billard ở đường Võ Tánh. Một mình nằm ngủ trong căn nhà trọ vào giờ giấc mà mọi người sum họp vui vầy với nhau.

Dạo ấy còn trẻ mà sao cô đơn quá sức. Thỉnh thoảng người bạn gái đến gọi cửa trong giấc ngủ lưng chừng và bảo tôi đêm nay trăng đẹp quá hãy ra ngoài biển ngồi chơi. Biển Quy Nhơn đẹp nhưng hơi bẩn. Người bạn ấy bây giờ chồng con bề bộn hay nhàn nhã, không hiểu khuôn mặt ấy giờ đây như thế nào. Đừng nhắc lại quá khứ vì mỗi lần nhắc lại thì lòng trống trải buồn thiu.

Có những căn nhà trống gió thổi lùa qua mọi ngõ ngách. Tâm hồn con người cũng có lúc gió lạnh cũng lùa quanh. Đừng nhắc lại dĩ vãng. Nó đẹp nhưng không ích lợi gì cả. Chúng ta sống cho mỗi ngày hôm nay. Hôm nay cũng là quá khứ và chúng ta cố giành giựt với thời gian để biến ngày hôm nay thành một hiện tại vô tận.

images37156_BanhIt1
Quy Nhơn có những tháp Chàm đứng một mình lặng lẽ nghìn năm “mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ”. Cái giấc mộng dài nó buộc con người không được quên và phải nhớ về những dấu tích đã in thành vết không tàn phai trên tâm hồn mỗi con người. Tôi luôn luôn là người đãng trí. Tôi đã quên nhưng vẫn có kẻ tỉnh táo không bao giờ quên bất cứ một điều gì cứ mãi quanh quẩn cuộc đời tôi để nói khẽ vào tai tôi điều tôi không muốn nhớ nữa.

Quy Nhơn không hiểu còn thơ mộng như thời tôi những năm hai mươi tuổi? Cái tuổi ấy nhìn gì mà chẳng đẹp. Tôi vốn yêu người và yêu thiên nhiên. Có thể rất gần đây tôi sẽ chuẩn bị một chuyến trở về Quy Nhơn để tần ngần ngồi nhìn một bờ biển của những ngày xưa, lúc một hạt cát cũng đủ làm tôi cảm động.

TRỊNH CÔNG SƠN (1988)

Một suy nghĩ 1 thoughts on “Trịnh Công Sơn và hạt cát Quy Nhơn

  1. Sau khi viết bài này khoảng 10 năm (năm 1998), Nhạc sĩ TCS đã có dịp về thăm lại Quy Nhơn và có trương trình biểu diễn cùng nhóm nhạc sĩ 7 người bạn tại trường ĐH Sư Phạm Quy Nhơn. Sau đó là buổi trò chuyện cùn bạn bè tại quán cafe Thu Vàng (trước ở đường Trần Cao Vân, giờ đã chuyển đến đường Ỷ Lan). Khi đó mình còn đi học nhưng cũng tranh thủ xin được thủ bút của bác TCS

Bình luận về bài viết này